Anh Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1986) từng tốt nghiệp Thủ Khoa tại Đại học Khoa học Tự nhiên (KHTN) - ĐH Quốc gia TPHCM với thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học năm 2008.
Sau khi hoàn thành chương trình Cử Nhân Toán - Tin học, anh Bình tiếp tục tốt nghiệp với điểm số xuất sắc bậc Thạc sĩ về Toán Ứng Dụng tại Đại học Orleans (Pháp) năm 2009. Anh bảo vệ luận án Tiến Sĩ (loại Ưu) tại Đại học Bách Khoa Paris (Ecole Polytechnique).
Sau này, anh Bình trở lại tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại trường cũ. Hiện tại, anh là Trưởng Bộ Môn Ứng Dụng Tin học tại khoa Toán - Tin học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM.
Nhấn để phóng to ảnh
Từ TPHCM ra Hà Nội nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng vào dịp cuối năm 2021, TS. Nguyễn Thanh Bình rất đỗi tự hào và cảm nhận nguồn động viên to lớn để anh tiếp tục phấn đấu hơn nữa không chỉ trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đào tạo sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, mà còn sáng tạo ra những ứng dụng thiết thực cho đời sống xã hội.
Để giành được giải thưởng cao quý này do Trung ương Đoàn TNCS HCM và Bộ Khoa học Công nghệ trao tặng, TS. Bình có thành tích nổi bật là đã đệ trình 4 bằng sáng chế quốc tế liên quan đến việc xây dựng các hệ thống về trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thẩm định chất lượng sản phẩm ở các nhà máy và các xưởng sản xuất trong công nghiệp.
Trong đó, anh Bình có một bằng sáng chế được cấp tại Mỹ vào tháng 7/2021 liên quan đến việc xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng sợi vải tự động trong lĩnh vực may mặc bằng cách sử dụng máy đo quang phổ. Đây là bằng sáng chế đầu tiên trên thế giới liên quan hệ thống này và đang triển khai áp dụng trong doanh nghiệp.
Ba bằng sáng chế còn lại đang chờ xét duyệt liên quan đến việc xây dựng các hệ thống AI để dự đoán các lỗi có khả năng xảy ra trong quá trình sản xuất tại các nhà máy may mặc, đánh giá chất lượng sản xuất của các nhà máy may mặc một cách tự động thông qua dự liệu thẩm định lịch sử, cũng như ước lượng rủi ro trong quá trình sản xuất đơn hàng tại một nhà máy nào đó. Các bằng sáng chế này hiện bắt đầu triển khai áp dụng thực tế.
Nhấn để phóng to ảnh
Cho đến nay, TS. Nguyễn Thanh Bình có hơn 50 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 10 bài báo được đăng tại các tạp chí quốc tế uy tín như SIAM Review (SCI Q1, IF = 14.686), SIAM Journal on Applied Mathematics (SCI Q1, IF = 1.718), Knowledge-based System (SCI Q1, IF = 8.038), Information Sciences (SCI Q1, IF = 6.795), NeuroComputing (SCI Q1, IF = 5.719)…
Ngoài ra, anh còn có các bài báo được chấp nhận báo cáo tại các hội nghị uy tín thế giới về Trí Tuệ Nhân Tạo như NeuroIPS, PAKDD, WACV, IEEE Big Data, ACM ICMR, ICONIP…
"Các công trình nghiên cứu của tôi chủ yếu xoay quanh hai chủ đề khoa học tính toán và máy học ứng dụng", TS. Bình cho hay.
Trong thời gian qua, anh Bình đạt được nhiều giải thưởng như: Best Paper Award tại hội nghị SoMeT 2018 tổ chức tại Tây Ban Nha, đạt giải thưởng Best Presentation Award tại hội nghị quốc tế KSE 2021 tổ chức tại Thái Lan. Anh và đồng nghiệp cũng đạt giải nhất cuộc thi LSC 2021 tại hội nghị quốc tế uy tín ACM ICMR 2021 với công trình "Myscéal 2.0: A Revised Experimental Interactive Lifelog Retrieval System for LSC'21".
Tiến sĩ 35 tuổi cũng hướng dẫn thành công cho một nghiên cứu sinh và 5 học viên cao học. Năm 2021, anh có 15 công trình nghiên cứu khoa học trong đó có 3 bài báo được đăng tại 3 tạp chí quốc tế uy tín (SCI Q1) và 12 bài báo khoa học được công bố tại các hội nghị quốc tế uy tín.
Nhấn để phóng to ảnh
Trong năm 2021, anh Nguyễn Thanh Bình đã có những công trình nghiên cứu mang ý nghĩa thực tế bằng cách sử dụng AI trong các ứng dụng cụ thể trong cuộc sống như:
Công trình "Multi-source Machine Learning for AQI Estimation" đưa ra hướng tiếp cận máy học để dự đoán mức độ ô nhiễm không khí trong các thành phố lớn. Trong công trình này, nhóm nghiên cứu có chế tạo một thiết bị IoT để thu thập dữ liệu ô nhiễm ở các tuyến đường khác nhau qua các quận huyện từ huyện Nhà bè, Quận 4, Quận 1, Quận 3, Quận 10, Quận Bình Thạnh, Quận 2, Quận Thủ Đức và đưa ra mô hình dự đoán có độ chính xác cao. Kết quả nghiên cứu được chấp nhận báo cáo tại hội nghị IEEE Big Data. Công trình nghiên cứu đã được xuất bản vào tháng 1/2021.
Anh và nhóm nghiên cứu cũng xây dựng các hệ thống mang tính ứng dụng thực tế: hệ thống phân tích sắc thái (sentiment classification) với công trình "A Novel Approach for Enhancing Vietnamese Sentiment Classification" được báo cáo tại hội nghị SoMeT 2021, hệ thống Hỏi-Đáp tự động (Question Answering platform) với công trình "SPBERT: An Efficient Pre-training BERT on SPARQL Queries for Question Answering over Knowledge Graphs" được báo cáo tại hội nghị ICONIP 2021, hệ thống tự động gợi ý các tạp chí khoa học khi nộp bài báo cho các nhà khoa học (paper submission recommendation" với các công trình "S2CFT: A New Approach for Paper Submission Recommendation" được báo cáo tại hội nghị SOFSEM 2021 và "A Fusion Approach for Paper Submission Recommendation System" được báo cáo tại hội nghị SoMeT 2021. Anh và học trò cũng vừa có công bố khoa học khác liên quan trên tạp chí Information Sciences với tiêu đề "Learning for Amalgamation: A Multi-source Transfer Learning Framework for Sentiment Classification".
Tiến sĩ cho biết: "Hiện tại, tôi đang hướng tới các nghiên cứu mang tính ứng dụng thực tế và cố gắng thương mại hóa dần các nghiên cứu liên quan. Tôi tập trung hướng nghiên cứu về các ứng dụng AI trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Đây là hai lĩnh vực phù hợp và cần thiết ở nước ta hiện nay".
Nhấn để phóng to ảnh
Đáng nói, anh Bình cũng là một người làm khoa học rất năng động. Các nghiên cứu của anh và đồng sự hướng tới mở rộng hợp tác xã hội hóa nhờ tính ứng dụng cao, không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn kinh phí nghiên cứu của trường đại học hay nhà nước cấp phát.
Tâm sự về chủ đề này, Tiến sĩ nói: "Ngoài việc thực hiện các nghiên cứu khoa học từ các nguồn kinh phí nhà trường và Nhà nước cấp, tôi nghĩ rằng có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng hợp tác với các nhà nghiên cứu trong nước để đưa ra những giải pháp cần thiết cho các dự án đang triển khai ở các công ty. Chính vì lý do đó, các nhà khoa học có thể mạnh dạn tìm thêm nguồn kinh phí này. Trong thực tế, tôi đã hợp tác chuyển giao thành công với một số doanh nghiệp tại TPHCM".
Thẳng thắn hơn, anh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ nhận thức thực tế rằng nhiều nhà nghiên cứu trẻ sau khi hoàn thành luận án Tiến Sĩ từ nước ngoài về đã tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm tại các công ty lớn ở Việt Nam như VinAI, VinBig Data, BeGroup, FPT, VNG… với mức thu nhập rất tốt.
"Tôi cho rằng cơ hội ngày này khá nhiều đặc biệt cho các nhà khoa học giỏi và đam mê khoa học ứng dụng vì các doanh nghiệp lớn sẵn sàng đầu tư để xây dựng đội ngũ chất lượng cao", anh Bình cho biết.
Qua hiểu biết cá nhân, vị tiến sĩ trẻ thấy rằng nhiều đồng nghiệp của anh ở Châu Âu, Châu Á, Úc, Mỹ... vừa duy trì công tác giảng dạy ở nhà trường đồng thời hợp tác với doanh nghiệp để đưa ra những ứng dụng thực tế. Anh nghĩ rằng đây là hướng đi thú vị để các nhà nghiên cứu khoa học có nhiều cơ hội thấy được các kết quả nghiên cứu của mình ứng dụng nhiều hơn trong cuộc sống.
Nhấn để phóng to ảnh
Quả Cầu Vàng 2021 Nguyễn Thanh Bình bộc bạch rằng mẹ của anh cũng làm giáo viên. "Mẹ tôi làm cô giáo từ khi tôi sinh ra cho đến lúc bà nghỉ hưu. Do vậy, tôi được truyền tình yêu nghề từ mẹ. Dù nghề giáo có nguồn thu nhập không cao như các ngành nghề khác nhưng có trách nhiệm vô cùng lớn trong việc đào tạo thế hệ trẻ cho đất nước", anh nói.
Cho đến nay, nhiều học trò của TS. Nguyễn Thanh Bình đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước, đạt thành tích rất xuất sắc. Anh cho rằng sự thành công của thế hệ học trò chính là nguồn động viên vô cùng to lớn của bất kỳ thầy cô không chỉ riêng anh.
Ở góc độ là một nhà khoa học trẻ thuộc thế hệ 8x, anh Bình nhận thấy sự biến chuyển giữa cách làm khoa học của thế hệ trước và thế hệ của anh, thế hệ anh và thế hệ đi sau.
Anh so sánh: "Thế hệ 9X và Gen Z ngày này rất thông minh và có rất nhiều cơ hội và điều kiện học tập so với thế hệ 8X của tôi hồi xưa. Dẫu vậy, các nhà khoa học 8X như tôi vẫn sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức và kinh nghiệm để có thể thích ứng và cũng như nắm bắt các công nghệ mới song song với sự phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới.
Là một nhà nghiên cứu khoa học trở về Việt Nam sau khi học tập ở nước ngoài, tôi hi vọng trong những năm tới, nguồn kinh phí tài trợ nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ (không quá 35 tuổi) sẽ ngày càng nhiều hơn để các nhà khoa học trẻ có thể tận dụng và duy trì công việc nghiên cứu của mình sau khi về nước".
Bài và thiết kế: Mai Châm
Bạn cần đặt mua gói tài liệu này để xem bình luận
Bình luận tài liệu (0 bình luận)