GÓI ÔN LUYỆN TRẮC NGHIỆM THI TỐT NGHIỆP THPT FORM NĂM 2025 - MÔN TIN HỌC (Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018)
Giới thiệu tài liệu:
ĐỊNH HƯỚNG ÔN LUYỆN VÀ LÀM BÀI THI TỐT NGHIỆP
THPT MÔN TIN HỌC
1. Định hướng thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Theo quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 11 năm 2023, từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn Tin học được đưa vào là một trong hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn được học ở lớp 12 bao gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Cũng như các môn thi khác, môn Tin học được thi theo hình thức trắc nghiệm.
2. Định hướng về nội dung và cấu trúc bài thi tốt nghiệp THPT môn Tin học
2.1. Về nội dung
Bài thi Tin học nằm trong chương trình Tin học THPT với các chủ đề chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 (80%) và trong chủ đề E, F của chương trình lớp 11 (20%). Bài thi bao gồm phần câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn và câu trắc nghiệm đúng sai. Trong đó, phần câu trắc nghiệm đúng sai có phần chung và phần riêng dành cho các thí sinh theo định hướng Khoa học máy tính hay Tin học ứng dụng. Cụ thể như sau:
2.1.1. Phần câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn
- Chủ đề A: Máy tính và xã hội tri thức, gồm: Giới thiệu Trí tuệ nhân tạo.
- Chủ đề B: Mạng máy tính và Internet, gồm: Thiết bị và giao thức mạng; Các chức năng mạng của hệ điều hành; Thiết lập kết nối và sử dụng mạng trên thiết bị di động.
- Chủ đề D: Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số, gồm: Gìn giữ tính nhân văn trong thế giới ảo.
- Chủ đề F: Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính, gồm: Tạo trang web (Cấu trúc trang web dưới dạng HTML và sử dụng CSS trong tạo trang web); Giới thiệu các hệ cơ sở dữ liệu (Lớp 11).
- Chủ đề G: Hướng nghiệp với tin học, gồm: Giới thiệu nhóm nghề dịch vụ và quản trị; Giới thiệu một số nghề ứng dụng tin học và một số ngành thuộc lĩnh vực tin học.
2.1.2. Phần câu trắc nghiệm đúng sai
Phần này bao gồm 02 phần. Với phần chung cho tất cả các thí sinh, nội dung câu hỏi sẽ nằm trong các chủ đề như ở phần 2.1.1. Với phần riêng, nội dung sẽ được chia theo hai định hướng như sau:
Thí sinh theo định hướng Khoa học máy tính, nội dung câu hỏi sẽ nằm trong các chủ đề:
- Chủ đề B: Mạng máy tính và Internet, gồm: Phác thảo thiết kế mạng máy tính.
- Chủ đề F: Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính, gồm: Giới thiệu Học máy và Khoa học dữ liệu; Mô phỏng trong giải quyết vấn đề; Kĩ thuật lập trình (Lớp 11).
Thí sinh theo định hướng Tin học ứng dụng, nội dung câu hỏi sẽ nằm trong các chủ đề:
- Chủ đề A: Máy tính và xã hội tri thức, gồm: Thực hành kết nối thiết bị số.
- Chủ đề E: Ứng dụng tin học, gồm: Thực hành sử dụng phần mềm tạo trang web; Chỉnh sửa ảnh, tạo ảnh động (Lớp 11); Làm phim hoạt hình, video (Lớp 11).
- Chủ đề F: Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính, gồm: Thực hành tạo và khai thác cơ sở dữ liệu (Lớp 11).
2.2. Về cấu trúc
Theo phương án thi THPT quốc gia thực hiện từ năm 2025, cấu trúc đề thi môn Tin học sẽ bao gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm được chia làm 02 phần.
- Phần I gồm 24 câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn, với mỗi câu hỏi thí sinh chỉ chọn một phương án trả lời đúng.
- Phần II gồm 04 câu trắc nghiệm đúng sai, trong đó mỗi câu có 04 ý. Trong mỗi ý a), b), c), d), thí sinh chọn đúng hoặc sai.
Trong đó phần II bao gồm 02 phần: Phần A. Phần chung cho tất cả các thí sinh gồm câu 1 và 2. Phần B. Phần riêng: Thí sinh chỉ chọn một trong hai phần sau: Thí sinh theo định hướng Khoa học máy tính làm câu 3 và 4; Thí sinh theo định hướng Tin học ứng dụng làm câu 5 và 6.
3. Định dạng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT môn Tin học và một số lưu ý để làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT môn Tin học
3.1. Định dạng câu hỏi
Bài thi tốt nghiệp THPT môn Tin học gồm 02 dạng câu hỏi: trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn và trắc nghiệm đúng sai. Với dạng câu hỏi trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn, mỗi câu hỏi sẽ có 04 phương án trả lời (A, B, C, D) và chỉ có 01 phương án đúng hoặc đúng nhất. Với dạng câu hỏi đúng sai, mỗi câu hỏi sẽ là 01 phát biểu và chỉ có 01 phương án là đúng hoặc sai cho phát biểu đó.
3.2. Một số lưu ý
Để làm tốt bài thi trắc nghiệm, các em cần lưu ý:
Một là, bài thi trắc nghiệm kiểm tra kiến thức ở tất cả các chủ đề. Mỗi bài thi dù chỉ có 40 câu hỏi nhưng có rất nhiều mã đề được sinh ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi với hàng nghìn câu hỏi khác nhau. Do đó, các em cần phải học toàn bộ chương trình, không nên chỉ tập trung vào những chủ đề thế mạnh hay chủ đề mình yêu thích để “gánh” điểm cho các chủ đề khác.
Hai là, trong mỗi câu hỏi, các phương án gây nhiễu thường được xây dựng dựa trên những sai lầm thường gặp của học sinh. Vì vậy, các em cần học chắc kiến thức cơ bản để tránh các sai lầm hay mắc phải.
Ba là, tuy hình thức thi là trắc nghiệm khách quan trên giấy nhưng các em vẫn phải luyện tập thành thạo các dạng bài thực hành bởi thông qua việc thực hành, các em sẽ nắm chắc được kiến thức và có kỹ năng làm việc với các phần mềm hay kỹ năng lập trình để chọn được phương án trả lời đúng.
Bốn là, với phần câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, các em cần có kỹ năng phân loại các câu hỏi để tận dụng thời gian khi làm bài thi trắc nghiệm. Các câu hỏi có số điểm là ngang nhau, vì thế cần đọc một lượt để đánh dấu những câu có thể làm ngay, sau đó là những câu có thể làm được và cuối cùng là những câu cần thời gian suy nghĩ. Trong trường hợp không tìm ra được đáp án, có thể áp dụng một số kinh nghiệm sau để đưa ra phương án trả lời: phương án đúng thường là phương án dài nhất, khác biệt nhất, khi ghép nối với phần dẫn thành một câu hoàn chỉnh nhất (về mặt ngữ pháp, ngữ nghĩa).
Năm là, với phần câu hỏi trắc nghiệm đúng sai, các em cần có kỹ năng giải bài tập được cho như một bài tự luận và căn cứ trên quá trình giải đó để đưa ra lựa chọn đúng hay sai cho các phát biểu trong đề bài. Các mệnh đề thường được sắp xếp từ dễ đến khó và có liên quan đến nhau nên các em cần lưu ý giải quyết từng mệnh đề một cho thật chắc chắn.
Bình luận (0)